Mũ bảo hiểm (MBH) từ lâu được xem
là một biện pháp bảo vệ có hiệu quả, hạn chế thương tích vùng đầu cho người
ngồi trên xe máy tham gia giao thông khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, không phải
ai cũng tuân thủ, sử dụng MBH đúng cách và đạt chuẩn chất lượng. Vì vậy, khi
tai nạn xảy ra, hậu quả để lại thường hết sức nặng nề.
* Chất
lượng MBH chưa cao
Thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, theo nghiên cứu mới nhất
từ Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Đại học Y tế công cộng, chỉ 10,1% số
MBH đạt tiêu chuẩn khi thử nghiệm va đập. Còn lại 89,9% số mũ được nghiên cứu
không đủ khả năng bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ chấn thương sọ não nếu không
may xảy ra tai nạn giao thông. Tại các cuộc khảo sát ở một số địa phương trong
cả nước, có gần 26% số mũ là mũ dạng lưỡi trai với lớp vỏ nhựa mỏng, không có
lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông
quốc gia cho rằng, kết quả trên đã phản ánh một phần thực trạng sử dụng MBH
chưa đạt chuẩn hiện nay, đặt ra vấn đề về chất lượng MBH trên thị trường. Do
đó, ông đề nghị phải bỏ ngay chữ MBH lưỡi trai trong hồ sơ kiểm định vì chất
lượng loại mũ này không đạt chất lượng.
Theo Công an tỉnh, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng tập trung
tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với người điều khiển xe mô
tô, xe máy, xe đạp điện… không đội MBH. Kết quả, 9 tháng của năm 2020,
lực lượng công an đã lập biên bản, xử phạt đối với gần 7,7 ngàn trường hợp vi
phạm.
|
Hiện
nay, pháp luật cũng đưa ra các quy định và tiêu chuẩn đối với MBH. Tất cả các
MBH của những cơ sở sản xuất khi lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận
hợp quy, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Cụ thể,
tại Điều 3, Điều 4, Thông tư liên tịch số 06/2013 giữa Bộ KH-CN - Bộ Công
thương - Bộ Công an và Bộ GT-VT thì MBH cho người điều khiển, người ngồi trên
mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông phải
đảm bảo các yêu cầu sau: có cấu tạo đủ 3 bộ phận gồm vỏ mũ, đệm hấp thụ xung
động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.
Về kiểu
dáng đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN của Bộ
KH-CN. Trường hợp MBH có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời
tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm
xa nhất của lưỡi trai không quá 70mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được
làm ảnh hưởng đến góc nhìn.
Trường hợp MBH có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi
trai cứng tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không
được lớn hơn 50mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc
nhìn. Trường hợp MBH có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, đơn vị đang xin ý kiến của các cơ quan chức
năng, trong đó có Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Công Thương, Bộ
Công an để đưa vào quy định đúc nổi dòng chữ: “MBH cho người đi mô tô, xe máy”
trên mũ. Điều này sẽ giúp cho lực lượng cảnh sát giao thông dễ nhận thấy khi xử
lý vi phạm về MBH; ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng và trên hết là đảm
bảo an toàn cho người dân.
* Tăng
cường xử lý vi phạm
Bên cạnh vấn đề chất lượng MBH, người tham gia giao thông cần đội mũ đạt
chuẩn để tự bảo vệ tính mạng bản thân khi xảy ra va chạm giao thông. Pháp luật
cũng quy định rất rõ về việc bắt buộc phải đội MBH và cài quai đúng cách khi
điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, lâu nay việc đội MBH đã trở thành thói
quen của phần lớn người dân khi tham gia giao thông bằng xe máy. Tại Đồng Nai,
tỷ lệ người dân đội MBH khi điều khiển xe máy khá cao, nhưng số người bị tai
nạn giao thông chấn thương sọ não hằng năm vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.
Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh
Minh cho hay, tại các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao
thông hằng năm, các ngành chức năng trong tỉnh đều tuyên truyền, vận động người
dân cần tuân thủ đội MBH đạt chuẩn và đúng cách khi tham gia giao thông. Ngoài
ra, thông qua hoạt động tặng mũ cũng là cách thức tuyên truyền để người dân
hiểu thêm về tác dụng của MBH trong ngăn ngừa các thương tích lên vùng đầu.
Tại lễ khai giảng năm học 2020-2021, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp
với Sở GD-ĐT và Công ty TNHH Honda Việt Nam tổ chức trao tặng hơn 62 ngàn MBH
cho học sinh lớp 1 trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động được duy trì thường
xuyên trong những năm gần đây, góp phần nâng cao nhận thức không chỉ cho các
học sinh mà cả phụ huynh và nhà trường.
Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý II-2020, Phó
thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, vẫn còn một bộ phận
người điều khiển xe máy, xe máy điện không đội MBH, bất chấp quy định của pháp
luật và nguy hiểm cho bản thân. Vì vậy, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm
tra, xử lý tình trạng người dân không đội MBH; đặc biệt là đối với người đi mô
tô, xe máy chở trẻ em không đội MBH. Công tác tuyên truyền cũng cần được nâng
cao và thực hiện có trọng tâm hơn nữa nhằm nâng cao ý thức của người dân về tầm
quan trọng của MBH.
Nguồn: Báo Đồng Nai.