THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức về kết quả xử lý hồ sơ của bộ phận một cửa Sở Giao thông Vận tải

 
Số lượt truy cập
Đường thủy
Quý IV-2017 sẽ khởi công xây dựng cầu Tà Lài
Cập nhật 08/08/2017 10:38 Xem với cỡ chữ

​Gần 1 năm sau khi cầu treo Tà Lài (ở ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) bị sập, vấn đề lưu thông của người dân 2 bên bờ vẫn gặp nhiều khó khăn. Vào mùa mưa bão, nước dâng cao và chảy xiết thực sự khiến người dân nơi đây không thể yên tâm mỗi khi qua sông.

hinh1-08082017.jpg 
 Xe ba gác máy được chở cùng với người và hàng hóa khiến khách đi phà Tà Lài lo lắng vì sợ mất an toàn.
Qua sông phải lụy "phà"
Từ chỗ bờ bên này sang bên kia chỉ mất vài phút đi bằng xe 2 bánh hoặc đi bộ khi cây cầu bị sập, việc đi lại của người dân khá bất tiện. Những đêm trời mưa bão hay khi người dân bị ốm đau bệnh tật, việc đưa người thân đi cấp cứu càng vất vả hơn. Tất cả đều trông chờ vào những chuyến phà ì ạch, chậm chạp.
“Khi cây cầu treo còn, cuộc sống sinh hoạt của người dân rất tiện lợi, thiếu thứ gì sẽ chạy ngay sang trung tâm xã mua; giờ muốn đi cũng ngại vì phải chờ phà. Chưa kể, việc đi phà vừa bất tiện vừa lâu vì chỉ có một chiếc hoạt động, còn chiếc kia nằm chờ, tắt máy để đó. Khi người dân thắc mắc thì chủ phà trả lời lúc nào đông khách, chiếc này chở không đủ mới huy động thêm chiếc còn lại…” - bà P. (ngụ ấp 4) nói với vẻ bức xúc.
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, do chỉ có một chiếc phà hoạt động nên người dân muốn qua sông phải chờ đợi lâu. Trong khi nước sông dâng cao, giữa lòng sông có dòng xoáy nguy hiểm nên phà chạy vòng mãi mới cập bến. Nhiều người buộc phải chen chúc trên chiếc phà chật hẹp, nhưng hiếm thấy ai mặc áo phao nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
Hiện khu vực ấp 4 đang vào mùa thu hoạch chuối và một số nông sản khác nên người dân không thể chủ động mọi việc, từ đi lại đến buôn bán hàng hóa. Do đó, giá cả qua tay thương lái thường không cao, nông dân muốn đem nông sản đi nơi khác tiêu thụ không hề đơn giản vì điều kiện đi lại trắc trở, chi phí vận chuyển tăng lên.
Có rẫy chuối nằm ở ấp 4, ông Nguyễn Văn Lâm (ngụ ấp 3) chia sẻ trước đây thương lái đến tận nơi để thu hoạch. Kể từ khi đi phà, mỗi chuyến xe thồ người trồng phải “bao” thêm phí vận chuyển. Chưa kể việc qua lại chậm chạp khiến người mua không mấy mặn mà, phải hối thúc mãi họ mới vào mua.
“Mùa nắng đi lại còn được, mùa mưa dòng sông trở nên hung dữ khiến mọi người muốn sang bên kia cũng ngán ngẩm, e dè. Bà con buộc phải chấp nhận hiểm nguy khi đi trên chiếc phà nhỏ chông chênh. Vì vậy, người dân chúng tôi mong địa phương sớm xây cây cầu kiên cố bắc qua sông để đi lại an toàn và có điều kiện phát triển kinh tế” - ông Lâm bộc bạch.
Sẽ xây cầu bê tông thay cầu treo
Bên cạnh nỗi lo việc đi lại khó khăn, điều khiến người dân bất an chính là việc nhiều loại phương tiện cùng qua lại trên một chiếc phà tạm bợ. Không ít lần chủ phà cố “gò” khách cho đủ chuyến mới cho phà xuất phát. Trong khi người và xe máy chen chúc nhau trên phà thì những chiếc xe ba gác máy vẫn có thể được “chèn” vào để cùng qua sông.
Theo phản ánh của người dân, không chỉ xe ba gác máy mà cả xe tải cũng được vận chuyển chung với con người và nông sản. Việc này hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường khi nước sông Đồng Nai đoạn qua huyện Tân Phú hiện nay dâng cao và chảy xiết.
Trước đó, vào khoảng 10 giờ ngày 4-5 tại bến phà Tà Lài, trong lúc phà đang chuẩn bị sang sông thì bất ngờ bị nghiêng qua một bên và chìm xuống sông. Phát hiện sự cố, hành khách trên phà đã nhanh chân nhảy lên bờ chạy thoát, rất may không có thương vong về người. Tuy nhiên, chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng và 2 chiếc xe máy đã bị chìm cùng với chiếc phà.
Chủ tịch UBND xã Tà Lài Phan Phú Khánh khẳng định từ khi cầu treo bị sập, việc lưu thông của người dân ở 2 bên bờ sông gặp nhiều khó khăn. Phà do tư nhân quản lý, hoạt động đưa đón khách sang sông đã hợp đồng với huyện; địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở nhằm đảm bảo sự an toàn cho khách. Mùa này nước lớn, bến phà chỉ được phép hoạt động đến 19 giờ; nếu có sự cố đột xuất, người dân muốn qua sông thì địa phương sẽ huy động để vận chuyển. Bước vào mùa mưa năm nay, UBND xã đã làm việc với chủ phương tiện và buộc họ phải tu sửa, gia cố lại phà, trang bị thêm phao cứu sinh để phòng ngừa khi xảy ra sự cố.
Theo ông Khánh, mỗi ngày địa phương đều cử lực lượng dân quân và công an xã ứng trực, hỗ trợ chủ phà đưa đón người dân qua lại; đồng thời nhắc nhở hành khách mặc áo phao đầy đủ, chấp hành đúng quy định, kiên quyết không để xảy ra tình trạng người dân muốn sang phà mà phải chờ lâu và bị thu giá vé cao so với quy định.
Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Trần Bá Đạt cho biết thêm, huyện đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh về việc xây mới cầu Tà Lài thay cho cầu treo dây văng trước đây. Theo đó, sẽ xây cầu bê tông kiên cố ngay tại vị trí cũ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nước sông đang dâng cao, dự kiến trong quý IV-2017 sẽ bắt đầu khởi công xây dựng cầu mới.
“Dự án cần phải thực hiện ngay để người dân ấp 4 có cây cầu đi lại thay cho việc di chuyển bằng phà bất tiện như hiện tại. Việc đảm bảo an toàn cho người dân cần được đặt lên hàng đầu và huyện đã yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện tăng cường kiểm tra, xử lý vấn đề này” - ông Đạt nhấn mạnh.
Thanh Hải
 
 

 

CÁC TIN KHÁC

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Trang thông tin điện tử Sở Giao Thông Vận tải tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ban biên tập Sở Giao thông Vận tải
Địa chỉ: 18 Phan Chu Trinh- Phường Quang Vinh –TP. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0613)847320 - Số Fax: (0613)942248 – 840768 - Email: sgtvt@dongnai.gov.vn
Ghi rõ nguồn “Trang thông tin điện tử Sở Giao Thông Vận tải tỉnh Đồng Nai” hoặc www.sgtvt.dongnai.gov.vn
khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Phát triển bởi TTCNTT và TT Đồng Nai