THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức về kết quả xử lý hồ sơ của bộ phận một cửa Sở Giao thông Vận tải

 
Số lượt truy cập
Tin hoạt động ngành
“Đánh thức” sông Đồng Nai: Dòng sông còn ngủ quên
Cập nhật 16/11/2017 09:02 Xem với cỡ chữ

​Sông Đồng Nai, đoạn chảy qua TP. Biên Hòa vừa mang giá trị lịch sử, văn hóa vừa trải dài dọc thành phố, tốc độ dòng chảy hiền hòa nên tạo ra được những không gian, phân khúc, khu chức năng đặc biệt. Với tiềm năng từ cảnh quan hai bên bờ sông, Biên Hòa có thể khai thác để tạo nét riêng cho bộ mặt đô thị vốn đang được đánh giá là thiếu bản sắc.​
Mang trong mình lợi thế về phát triển giao thông cũng như tạo ra không gian cảnh quan đô thị ven sông, thế nhưng nhiều năm qua những tiềm năng này của sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP. Biên Hòa dường như vẫn “ngủ quên”.
Nhiều lợi thế nhưng ít được khai thác
Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai, cho rằng, tại Việt Nam có rất nhiều thành phố có sông chảy qua. Tuy nhiên, sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP. Biên Hòa có những lợi thế mà ít dòng sông khác có được. Theo ông Dũng, các con sông chảy qua các thành phố ở miền Tây Nam bộ thường mang giá trị lớn về giao thông nhưng lại hạn chế về giá trị lịch sử, văn hóa. Trong khi đó, các con sông chảy qua các thành phố ở miền Bắc và miền Trung có giá trị văn hóa, lịch sử lớn nhưng lại hạn chế về khả năng kiến tạo cảnh quan ven sông và giao thông do đặc điểm thường hay xảy ra lũ lụt. Riêng sông Đồng Nai đoạn qua TP. Biên Hòa lại mang trong mình giá trị về giao thông, lịch sử văn hóa và khả năng kiến tạo cảnh quan ven sông. “Sông Đồng Nai đoạn qua TP. Biên Hòa rất hiếm khi xảy ra lũ và lũ cũng không lớn. Mặt sông rất rộng tạo ra cảnh quan đẹp, đây là lợi thế lớn cho phát triển đô thị Ngoài ra, hai bên bờ sông cũng có rất nhiều di tích và các thiết chế văn hóa tâm linh. Đây là những giá trị mà hiếm có dòng sông nào có được”, ông Dũng phân tích.
Mặc dù có rất nhiều lợi thế, tuy nhiên theo đánh giá của ông Dũng, hiện việc khai thác các lợi thế của sông Đồng Nai nhằm làm đẹp cho đô thị Biên Hòa hầu như chưa có gì. “Những tiềm năng này, đến thời điểm này hầu như vẫn ngủ quên”, ông Dũng nhận định.

ld_20171115_4.jpg
Công trình bờ kè công viên Nguyễn Văn Trị.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Dũng cho hay, hiện nay việc khai thác tiềm năng của sông Đồng Nai trong phát triển đô thị Biên Hòa mới chỉ có duy nhất công trình bờ kè công viên Nguyễn Văn Trị. “Chừng đó là quá ít, mà công trình bờ kè công viên Nguyễn Văn Trị theo tôi cũng là công trình khai thác được thế mạnh của dòng sông”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Dũng, việc xây dựng bờ kè quá cao so với mặt sông khiến việc tương tác giữa con người với mặt nước sông bị hạn chế và làm mất đi giá trị của dòng sông. Người đi dạo trong công viên trên bờ kè không nhìn thấy mặt nước sông, không tương tác được với dòng sông nên tác động trực tiếp của dòng sông đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân cũng không nhiều. “Sông Đồng Nai đoạn qua TP. Biên Hòa hầu như không chịu tác động của lũ, bờ kè nên xây thấp, sát với mặt nước để người dân có thể giao lưu, tương tác trực tiếp với mặt nước. Chúng ta có thể chấp nhận một số vùng, một số điểm có lúc sẽ bị ngập bởi thời gian ngập là không dài. Việc xây dựng các bờ kè cao như vậy chỉ thích hợp với các dòng sông thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ mà thôi”, ông Dũng nêu ý kiến.
Cũng là người trăn trở nhiều về phát triển đô thị khu vực ven sông của thành phố, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Vy Văn Vũ cho rằng, lợi thế của sông Đồng Nai mang lại cho TP. Biên Hòa về cảnh quan là rất lớn. Tuy nhiên, hiện việc phát huy những lợi thế của dòng sông này là chưa tương xứng và điều đó lại diễn ra trong bối cảnh đô thị Biên Hòa lại đang rất thiếu điểm nhấn để tạo bản sắc riêng.
Mở đường khai thác lợi thế ven sông
Để phát huy lợi thế vùng ven sông, hiện TP. Biên Hòa đang triển khai 2 dự án giao thông dọc bờ sông Đồng Nai. Cụ thể, dự án đường ven sông Cái có chiều dài hơn 4,5 km nối từ đường Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng) đến đường Trần Quốc Toản (phường An Bình). Đường được quy hoạch rộng 32 m, đáp ứng cho 4 làn xe ô tô. Tổng mức đầu tư của dự án ước tính trên 3.600 tỷ đồng. Dự án thứ 2 là đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu có chiều dài hơn 5km. Tổng mức đầu tư cho dự án này lên đến gần 1.790 tỷ đồng.
Theo UBND TP.Biên Hòa, cả 2 dự án đều được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), BT (đổi đất lấy công trình).
Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Biên Hòa Doãn Văn Đồng cho biết, hiện cả 2 dự án đang được các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất đầu tư theo quy định. Đánh giá về tác động của 2 dự án, ông Đồng cho biết, 2 dự án đều xây dựng đường giao thông nhưng không chỉ đơn thuần giải quyết việc đi lại mà còn để tạo cảnh quan cho thành phố. Vì vậy, quy hoạch lộ giới cũng tính toán cho cả tương lai phát triển.
Đồng quan điểm, ông Vy Văn Vũ cho rằng, hiện TP. Biên Hòa có 7 dự án trọng điểm, tuy nhiên đối với 2 dự án đường ven sông, Biên Hòa cần triển khai làm sớm nhằm có điều kiện để phát triển cảnh quan khu vực ven sông. “Cần tập trung làm 2 dự án này nhằm tạo ra điểm nhấn trước mắt cho cảnh quan đô thị Biên Hòa”, ông Vũ nhấn mạnh.
Hơn 1.200 hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng
Theo UBND TP. Biên Hòa, để phục vụ cho việc xây dựng tuyến đường ven sông Cái và dự án đường ven sông Đồng Nai, sẽ có 1.201 hộ dân trong khu vực dự án phải giải tỏa trắng. Để phục vụ cho việc tái định cư, hiện các chủ đầu tư đã đề xuất phương án xây dựng các khu tái định cư với diện tích hơn 27 ha.
Cổng TTĐT tỉnh
 

 

CÁC TIN KHÁC

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Trang thông tin điện tử Sở Giao Thông Vận tải tỉnh Đồng Nai
Chịu trách nhiệm xuất bản: Ban biên tập Sở Giao thông Vận tải
Địa chỉ: 18 Phan Chu Trinh- Phường Quang Vinh –TP. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0613)847320 - Số Fax: (0613)942248 – 840768 - Email: sgtvt@dongnai.gov.vn
Ghi rõ nguồn “Trang thông tin điện tử Sở Giao Thông Vận tải tỉnh Đồng Nai” hoặc www.sgtvt.dongnai.gov.vn
khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Phát triển bởi TTCNTT và TT Đồng Nai