Trong 5 năm qua
(2015-2020), nhiều công trình về hạ tầng giao thông như: cầu vượt, hầm chui,
đường song hành… được xây dựng và đi vào hoạt động đã góp phần giải tỏa ùn tắc
giao thông tại một số khu vực trên địa bàn TP. Biên Hòa.
Giao thông tại khu vực ngã tư Tân Phong (TP.Biên Hòa) trở nên
thông thoáng sau khi xây dựng hầm chui. Ảnh: Thanh Hải
Tuy nhiên, hạ tầng giao
thông tại TP.Biên Hòa vẫn chưa theo kịp sự gia tăng nhanh chóng của các phương
tiện giao thông (chủ yếu là ô tô, xe máy). Do đó, thời gian tới, Đồng Nai sẽ
triển khai nhiều dự án giao thông, giúp giao thông thuận lợi và an toàn hơn.
* Giảm xung đột tại
các nút giao
Vòng xoay Tam Hiệp là nơi
giao nhau giữa các trục đường lớn gồm: đường Phạm Văn Thuận (đi vào trung tâm
TP. Biên Hòa), đường Bùi Văn Hòa (đi các khu công nghiệp, quốc lộ 51) và quốc
lộ 1 (đi TP.HCM và ngược lại). Vào giờ cao điểm, lượng phương tiện tập trung về
vòng xoay Tam Hiệp rất đông. Các phương tiện lớn, nhỏ chen chúc nhau, cố lấn
từng chút một nên thường xuyên xảy ra kẹt xe, ùn tắc. Vì vậy, nguy cơ xung đột,
đối đầu giữa các phương tiện giao thông tại đây rất lớn dẫn đến tình hình trật
tự an toàn giao thông rất phức tạp.
Vào ngày 4-7-2014, hầm chui
Tam Hiệp được khởi công xây dựng, đến cuối tháng 4-2015 thì hoàn thành sau gần
1 năm thi công. Công trình hầm chui Tam Hiệp nằm trong dự án Cầu Đồng Nai, khi
hoàn thành đã hạn chế xung đột giao thông giữa các phương tiện, tai nạn giao
thông cũng như tình trạng kẹt xe đã được giải quyết tốt.
Kể từ khi cầu vượt Amata
hoàn thành, đưa vào sử dụng (tháng 3-2015) đã tạo được thuận lợi cho các phương
tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 1. Cầu vượt Amata có 4 làn xe dành cho xe ô
tô lưu thông, các phương tiện khác, như: xe máy, xe thô sơ đi lại ở đường song
hành hai bên. Vì lý do này mà tình hình ùn tắc giao thông được giảm bớt so với
trước đây.
Ông Lê Quốc Quân (ngụ P. Long
Bình, TP. Biên Hòa) cho hay, xe ô tô, xe máy lưu thông trên quốc lộ 1 từ phía
Bắc đi TP.HCM không phải chạy chung với những phương tiện khác ở phía dưới nên
góp phần giảm tải áp lực giao thông rất lớn. Quan trọng hơn, từ khi đưa vào sử
dụng, “điểm đen” tai nạn giao thông tại nút giao ngã tư Amata hiện đã được xóa
bỏ.
Nút giao ngã tư Tân Phong
kết nối các phường: Tân Phong, Long Bình, Tân Hiệp có mật độ phương tiện giao
thông lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp của TP. Biên Hòa nên tại đây thường
xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào các giờ cao điểm. Nạn kẹt xe diễn ra nhiều năm
liền thực sự khiến người dân mệt mỏi và lo lắng.
Ngày 8-8-2017, hầm chui Tân
Phong được khởi công, trở thành hầm chui thứ 3 ở Đồng Nai sau 2 hầm chui Tam
Hiệp và ngã tư Vũng Tàu. Sau khi đưa vào khai thác, hầm chui ngã tư Tân Phong
đã góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông cho nội ô TP. Biên Hòa. Hiện tại, phương
tiện qua lại nút giao này ổn định, không còn xảy ra tình trạng kẹt xe như
trước. Đặc biệt, xe máy có thể lưu thông qua hầm đã tăng công suất thoát xe,
giảm xung đột giao thông tại nút giao này khiến người dân yên tâm hơn.
* Cần nhiều công trình hơn
nữa
Theo nhận định của Ban An
toàn giao thông tỉnh, việc hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình giao thông
tại các nút giao phức tạp đã thay đổi, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông
của thành phố, qua đó hạn chế tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, giúp
người dân đi lại thuận tiện và an toàn hơn.
Mới đây, UBND tỉnh vừa phê
duyệt xây dựng hầm chui cầu Hóa An để kết nối đường Nguyễn Văn Trị và trục
đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hóa An (TP.Biên Hòa) đến H.Vĩnh Cửu. Hầm chui
được kỳ vọng góp phần giảm tải áp lực xe cho nút giao Bửu Long đi đường Huỳnh
Văn Nghệ và đường tỉnh 768 (hướng đi H. Vĩnh Cửu).
Theo thiết kế, hầm chui kín
dài 40m, tĩnh không 4,5m; đoạn hầm hở dài 360m; đường dẫn hai đầu hầm dài
khoảng 220m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 310 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị
Bộ GT-VT chỉ đạo nhà đầu tư Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) nghiên cứu, xây dựng
hầm chui cắt ngang cầu vượt Amata theo hướng từ đường Đồng Khởi vào Khu công
nghiệp Amata.
Việc đưa những công trình
giao thông vào hoạt động đã góp phần rất lớn giảm tải ùn tắc, xóa các “điểm
đen” tai nạn giao thông ở các nút giao này. Tuy nhiên, đầu tư cho giao thông
cần nguồn vốn rất lớn, vì vậy, các dự án giao thông nào cấp bách cần phải được
ưu tiên trước nhằm đảm bảo giao thông thông suốt cho đô thị loại I của tỉnh
Đồng Nai.
Để đồng bộ hạ tầng giao
thông TP. Biên Hòa, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng
điểm như: đường trục trung tâm, cầu Thống Nhất, đường ven sông Cái, đường ven
sông Đồng Nai... Trong đó, người dân mong chờ nhất là dự án Nâng cấp mở rộng
tuyến đường Bùi Văn Hòa (đoạn từ vòng xoay Tam Hiệp đến nút giao tuyến tránh
quốc lộ 1) và đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp. Đây là một trong những dự
án trọng điểm của TP. Biên Hòa, được kỳ vọng sẽ giải tỏa tình trạng ùn tắc đang
ngày càng gia tăng ở các phường đông dân của thành phố.
Phó chủ tịch UBND TP. Biên
Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho rằng, trong thời gian tới, TP.Biên Hòa sẽ phối hợp với
các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tái định cư, thu hồi đất để sớm
giải phóng mặt bằng. Các dự án sẽ giúp giao thông Biên Hòa thoáng, thông suốt
hơn, giúp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, những công trình giao thông
được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2015-2020 gồm: cầu vượt, hầm chui ngã
tư Vũng Tàu, cầu vượt ngã tư Amata, hầm chui Tam Hiệp, hầm chui ngã tư Tân
Phong, cầu An Hảo và đường Đặng Văn Trơn nối ngã tư Vũng Tàu với cầu Hiệp Hòa
vào trung tâm TP.Biên Hòa.
|
Nguồn Báo Đồng Nai